CẢNH BÁO NHỰA XO: NGUY HẠI TIỀM ẨN
Nhựa XO có thực sự tự phân hủy trong môi trường?
Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên. Nó được con người tạo ra và thời gian phân hủy rất lâu, có thể kéo dài đến cả trăm, ngàn năm (chai nhựa mất tới 450 – 1000 năm mới phân hủy, ống hút nhựa và túi nilon thì phải mất tới 100 – 500 năm…). Điều này đã gây nên hiểm họa rác thải nhựa đe dọa toàn cầu như hiện nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của chúng ta. Và đó là nguyên nhân dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm “nhựa xanh- sạch” mang tên nhựa sinh học tự hủy.
Gắn mác “tự phân hủy sinh học”, “an toàn”, các sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO khiến nhiều người tin dùng vì ưu điểm không gây hại cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, sự thực có phải như vậy?
Nếu như nhựa phân hủy sinh học (Biodegradable), nhựa có thể phân hủy (Compostable) đều kết thúc hành trình của nó bằng việc trở về với tự nhiên như “lá cây nằm trong đất”, thì nhựa tự hủy OXO lại không đơn giản như vậy! Trong khi sản phẩm nhựa Biodegradable và Compostable có khả năng phân hủy thành CO2, H2O… dưới tác động của vi sinh vật thì nhựa tự hủy OXO, thành phần chủ yếu vẫn là Polyme thông dụng PE, PP, PS và có thêm phụ gia OXO trong quá trình sản xuất. Chính thành phần phụ gia OXO này giúp sản phẩm túi nhựa phân rã thành những mảnh nhỏ nhanh hơn rất nhiều so với túi thông thường. Có 2 loại phụ gia OXO được sử dụng rộng rãi nhất là D2W và Oxium.
D2W là công nghệ phụ gia OXO của công ty Symphony Environment trụ sở chính tại Vương quốc Anh. Theo thông tin từ nhà sản xuất, d2w rất hiệu quả và chỉ cần sử dụng 1% trong các sản phẩm túi PE, PP thông thường.
Oxium là công nghệ phụ gia tự hủy phân rã của công ty Tirta Marta trụ sở tại Indonesia. Về các thông tin kỹ thuật, sản phẩm này cũng khá tương tự với d2w. Khả năng và thời gian phân rã của sản phẩm không được khẳng định rõ ràng có diễn ra đúng như lời quảng cáo hay không mà chỉ được nêu sẽ diễn ra nhanh hơn sản phẩm nhựa thông thường không chứa chất phụ gia trong cùng một thời điểm.
Vào tháng 1 năm 2018, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra báo cáo về Oxo-degradable, trong đó nêu rõ: “Không tìm thấy bằng chứng trong môi trường bên ngoài, việc phân rã thành những mảnh có trọng lượng phân tử đủ thấp cho phép thực phân hủy sinh học”. Vì vậy, có thể xảy ra nguy cơ những mảnh nhựa không phân hủy hoàn toàn sẽ làm tích tụ nhanh chóng các vi nhựa. Đó là lý do mà Hiệp hội Nhựa sinh học Châu Âu (European Bioplastic) cho rằng, nhựa tự hủy OXO không hề có khả năng phân hủy sinh học.
Tác động xấu tới sức khỏe và môi trường từ nhựa tự phân hủy OXO
Đồng quan điểm với Hiệp hội Nhựa sinh học Châu Âu khi cho rằng nhựa tự hủy OXO không thực sự phân hủy sinh học, trong Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cũng bày tỏ lo ngại về các vật dụng làm từ nhựa tự hủy OXO khi thải bỏ có thể sẽ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm vi nhựa.
Cơ chế của nhựa tự hủy OXO là phân hủy thông qua con đường oxi hóa phân rã thành các hạt vi nhựa siêu nhỏ rồi lẫn vào đất, không khí và cả nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Thực tế hạt vi nhựa tự hủy OXO vẫn có thể tồn tại nguyên vẹn trong lòng đại dương hàng trăm năm. Các hạt vi nhựa này sẽ bị hấp thu và tích lũy trong các loài sinh vật, động vật biển và cứ thế tiếp tục đi vào chuỗi thức ăn của con người.
Trước những nguy cơ tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người, ông Hasso von Pogrell - Giám đốc điều hành Ủy ban Châu Âu cho biết: “Ủy ban Châu Âu từ lâu đã cảnh báo về tác hại của nhựa tự hủy OXO đối với môi trường, cũng như khả năng gây nhầm lẫn giữa sản phẩm này với các sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học thật sự. Trong vài năm qua, việc gắn mác xanh cho các sản phẩm nhựa tự hủy OXO đã gây hiểu nhầm trong cộng chúng về khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm này”.
Tháo gỡ bất cập này, ông Hasso von Pogrell thông tin thêm: “Ủy ban cũng đưa ra phân biệt cần thiết và rõ ràng giữa sản phẩm phân hủy sinh học và sản phẩm OXO – không thể coi là nhựa sinh học. Theo đó, nhựa tự hủy OXO chỉ là vật liệu nhựa thông thường được thêm các chất phụ gia nhân tạo nên không có khả năng phân hủy sinh học mà chỉ có thể phân rã thành vi nhựa sau đó tích tụ, gây hại cho môi trường, quá trình xử lý rác thải như tái chế hoặc ủ phân”.
Nhận biết rõ tác hại của sản phẩm từ nhựa tự hủy OXO, ở Châu Âu, hơn 150 tổ chức, bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu đại diện cho mọi bước của chuỗi cung ứng nhựa, các hiệp hội ngành, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học và quan chức dân cử đã tán thành tuyên bố kêu gọi hành động toàn cầu về việc cấm bao bì nhựa khó phân hủy từ OXO để tránh rủi ro môi trường trên diện rộng. Vì nhiều nước cho rằng, vi nhựa, kim loại nặng từ sản phẩm nhựa tự hủy OXO khi phân rã sẽ dễ dàng đi vào chuỗi tuần hoàn thực phẩm, gây tác động xấu tới sức khỏe con người.
Theo đó, động thái mạnh mẽ nhất là Liên minh Châu Âu đã đưa ra quy định cấm sản phẩm nhựa tự hủy OXO. Cụ thể, từ ngày 3/7/2021, các sản phẩm nhựa một lần như đĩa nhựa, dao thìa dĩa, ống hút, que bóng bay, bông ngoáy tai bị cấm tiêu thụ tại Liên minh châu Âu (EU). Lệnh cấm cũng áp dụng cho các sản phầm làm từ nhựa tự hủy OXO. Bên cạnh đó, châu Âu cũng triển khai thực hiện các chiến lược quản lý rác thải nhựa, tái chế phù hợp và tìm kiếm giải pháp thay thế bền vững cho sản phẩm nhựa dùng một lần với giá cả phải chăng.
Ngoài ra, Đan Mạch và Latvia đưa ra quy định cấm tiếp thị một số sản phẩm nhựa dung một lần và các sản phẩm làm bằng nhựa tự hủy OXO. Tại Ý, Tòa án Milan cho rằng, thực tế các sản phẩm nhựa chứa D2W không phân hủy nhiều hơn so với nhựa truyền thống, đủ để cho thấy rằng sản phẩm này không đáp ứng tiêu chuẩn Châu Âu về khả năng phân hủy công nghiệp, theo quy định của tiêu chuẩn EN 13432. Vì vậy, tòa đã phán quyết rằng túi nhựa và các sản phẩm khác có chứa chất phụ gia ‘d2w’ không thể sử dụng hợp pháp dưới dạng sản phẩm “phân hủy sinh học – biodegradable” theo các tiêu chuẩn của thị trường Châu Âu.
Như vậy, tại Châu Âu, các sản phẩm nhựa tự hủy OXO đã không còn “đất sống”. Chính vì loại vật liệu này chứa đựng nhiều rủi ro với môi trường mà chúng không còn là lựa chọn đúng đắn cho một nền sản xuất xanh, bền vững, không phải là mắt xích trong nền kinh tế tuần hoàn.
Còn tại Việt Nam, nhiều công ty sản xuất sản phẩm dùng 1 lần làm từ nhựa và được bán tại các siêu thị, phổ biến nhất là túi, cốc, thìa, dĩa… Thế nhưng, lại lập lờ trong việc phân biệt nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn và nhựa tự hủy OXO khi đều mang danh “phân hủy sinh học”. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng, nhựa tự hủy OXO thân thiện với môi trường, nhưng thực tế, nó lại gây độc hại cho môi trường.
Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Nguồn: Sưu tầm
>> Xem thêm các thông tin hoạt động mới nhất của chúng tôi <<
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
Ban Biên tập Mega Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 2-A2-IA20, KĐT Nam Thăng Long, đường Phạm Văn Đồng,
P. Đông Ngạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, Việt Nam.
Email: contact@megavietnam.vn
Tel: (+84) 24 375 89089; Fax: (+84) 24 375 89098
Website: megavietnamgroup.com
Hotline: 1800.577.728; Zalo: 0971.023.523